Bạn biết gì về thuốc ho, long đờm Cedipect F?

Cedipect F là thuốc gì? Loại thuốc này thường được chỉ định trong các trường hợp nào? Cách dùng ra sao và những điều gì cần lưu ý trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích Cedipect F qua bài viết dưới đây!

Tên thành phần hoạt chất: Guaifenesin 100mg; phenylephrin HCl 5mg; dextromethorphan hydrobromid 10mg.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tự: Lodegald, Touxirup,…

1. Cedipect F là thuốc gì?

Cedipect F được bào chế dưới dạng viên nang mềm, thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp.

Thành phần của thuốc bao gồm:

  • Guaifenesin: Đây là thành phần có tác dụng long đờm nhờ kích ứng niêm mạc dạ dày, sau đó kích thích tăng tiết dịch đường hô hấp, làm tăng thể tích và giảm độ nhớt của dịch tiết khí quản, phế quản. Nhờ vậy, thuốc làm tăng hiệu quả phản xạ ho giúp dễ tống đờm ra ngoài hơn.
  • Dextromethorphan: tác dụng lên hành não, làm giảm ho do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường hoặc hít phải các chất kich thích.
  • Phenylephrin là một thuốc cường giao cảm và tác dụng trực tiếp lên thụ thể a1- adrenergic. Phenylephrin có tác dụng giảm tiết chất nhầy, giảm sung huyết, phù nề, giúp giảm nghẹt mũi và làm thông vùng mũi hầu. Ở liều điều trị, thuốc không có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương.
Cedipect F
Thuốc ho Cedipect F

2. Công dụng của thuốc Cedipect F

Cedipect F được chỉ định trong một số trường hợp:

  • Điều trị triệu chứng ho, nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, cảm cúm, sốt, dị ứng hoặc các bệnh của đường hô hấp (như viêm xoang, viêm phế quản).
  • Điều trị ho do có đờm, ho do họng và phế quản bị kích thích khi cảm lạnh hoặc khi hít phải chất gây kích ứng đường hô hấp.

Lưu ý, đây là thuốc bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

3. Trường hợp không nên dùng Cedipect F

Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn với guaifenesin, dextromethorphan, phenylephrin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi vừa tiến hành thủ thuật nạo VA hoặc cắt mất amidan.
  • Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Người bệnh đang điều trị với thuốc ức chế tái hấp thu serotonin.
  • Người đang điều trị với thuốc ức chế men MAO.
  • Bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành.
  • Tăng huyết áp nặng, xơ cứng động mạch nặng, nhịp nhanh thất.
  • Cường giáp nặng hoặc bị glôcôm góc đóng.

4. Hướng dẫn dùng thuốc Cedipect F

4.1. Liều dùng

Cedipect F là thuốc được chỉ định theo đơn của bác sĩ. Liều lượng cần phải được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Bạn nên chú ý rằng, liều dùng được trình bày dưới đây là thông tin mang tính chất tham khảo. Do đó, không được tự ý dùng thuốc mà phải tuân thủ chính xác liều lượng theo bác sĩ hướng dẫn.

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: uống 2 viên/lần, cứ mỗi 4 giờ nếu cần thiết, không quá 6 lần/ngày.

Hoặc uống theo chỉ định của bác sĩ.

4.2. Cách dùng

Dùng bằng đường uống. Thức ăn không ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa. Vì thế, bạn có thể uống trước hay sau ăn đều được.

5. Tác dụng phụ của thuốc Cedipect F

Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng Cedipect F:

  • Hiếm gặp: chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, nôn mửa, ban da, mày đay
  • Thường gặp: Mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, đỏ bừng
  • Phenylephrin có thể gây một số tác dụng không mong muốn như: đau bụng nhẹ, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, căng thẳng, khó ngủ.

Hãy thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Tương tác thuốc khi dùng Cedipect F

Bạn không nên sử dụng đồng thời với:

  • Thuốc ức chế men MAO: Iproniazide, Niamide, Indopane, Brofaromine, Moclobermide,…
  • Haloperidol.
  • Amiodaron.
  • Propafenon.
  • Valdecoxib.
  • Rượu.
  • Thuốc kháng Histamin.
  • Digoxin,…

7. Lưu ý khi dùng thuốc Cedipect F

Một vài lưu ý khi dùng thuốc như:

  • Không sử dụng thuốc trong các trường hợp ho kéo dài hay mạn tính.
  • Không tự ý sử dụng quá 7 ngày.
  • Không dùng đồng thời với rượu hoặc các thuốc ức chế thần kinh trung ương.
  • Thận trọng ở người có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp.
  • Thận trọng với trẻ em có cơ địa dị ứng.
  • Guaifenesin được coi là không an toàn với người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người cao tuổi, người bệnh cường giáp, nhịp tim chậm, blốc tim 1 phần, bệnh cơ tim, xơ cứng động mạch, đái tháo đường tuýp 1.
  • Viên nang mềm Cedipect F chưa dầu đậu nành, không nên sử dụng thuốc cho người có tiền sử bị dị ứng hạt đậu nành hoặc đậu phộng.

8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Cedipect F

8.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Chưa có đầy đủ những dữ liệu an toàn khi sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, bạn không nên dùng thuốc cho đối tượng này.

Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu. Do đó, bạn nên tránh sử dụng thuốc khi lái tàu xe hay vận hành máy móc.

9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Cedipect F

Triệu chứng: buồn nôn, nôn, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, bí tiểu tiện, mất điều hòa, suy hô hấp, co giật, tăng huyết áp, nhức đầu xuất huyết não, đánh trống ngực, ngoại tâm thu, dị cảm.

Nếu gặp phải các dấu hiệu kể trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Cedipect F

Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu phát hiện tại thời điểm gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp theo đúng kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều quy định.

11. Cách bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, Nhà thuốc Bắc Giang đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Cedipect F là thuốc gì, công dụng của thuốc, cách dùng cũng như một số lưu ý khi sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có xảy ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!