Những điều cần lưu ý về thuốc Buscopan (hyoscine)

Thuốc Buscopan (hyoscine) là gì? Dùng thuốc như thế nào để đạt được hiệu quả? Cần lưu ý những điều gì khi dùng thuốc? Hãy cùng YouMed phân tích bài viết dưới đây để hiểu sâu về thuốc Buscopan (hyoscine) nhé!

Thành phần hoạt chất: hyoscine.

Tên thành phần tương tự: Cinex, Hyocimax, Hyowell,..

1. Buscopan (hyoscine) là thuốc gì?

Thuốc Buscopan có chứa hoạt chất hyoscine. Đây là chất có tác động trên toàn cơ thể bằng cách làm giảm tiết dịch, giảm nhu động dạ dày và ruột. Ngoài ra, hyoscine còn có tác dụng làm giãn đồng tử.

Buscopan
Thuốc tiêm Buscopan (hyoscine)

2. Chỉ định dùng thuốc Buscopan (hyoscine)

Thuốc chỉ định trong các trường hợp dạ dày, đường mật và đường niệu – sinh dục bị co thắt cấp tính, kể cả các cơn đau quặn mật và tại thận. Ngoài ra, Buscopan được dùng để hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán và điều trị khi có vấn đề về co thắt như nội soi dạ dày và chụp X-quang.

3. Trường hợp không được dùng thuốc 

  • Nhược cơ;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Hẹp cơ học đường tiêu hóa;
  • Phình ruột kết thì không nên dùng thuốc;
  • Phì đại tiền luyệt tuyến và kèm ứ nước tiểu;
  • Tình trạng mắc glaucoma góc hẹp nhưng không được điều trị;
  • Quá mẫn với hyoscine-N-butylbromide hoặc với bất kì thành phần nào của thuốc.

Lưu ý, đối với dạng tiêm thì những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông không nên dùng thuốc vì khi tiêm bắp có thể xuất hiện tụ máu trong cơ. Trường hợp này có thể cân nhắc tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch cho những bệnh nhân này.

4. Hướng dẫn dùng thuốc Buscopan (hyoscine)

4.1. Cách dùng

Viên bao phim: Khi dùng thuốc nên uống với lượng nước vừa đủ.

Chế phẩm tiêm: Tùy vào đối tượng và tình trạng bệnh thì chuyên viên y tế sẽ thực hiện tiêm truyền cho người bệnh.

Buscopan
Thuốc Buscopan (hyoscine) dạng viên

4.2. Liều dùng

  • Đối với thuốc viên

Người lớn và trẻ > 6 tuổi: dùng 1 – 2 viên trong 3 đến 5 lần một ngày.

  • Đối với thuốc tiêm

Người lớn và thanh thiếu niên > 12 tuổi:

  • 1 – 2 ống BUSCOPAN (20 – 40 mg) có thể được tiêm tĩnh mạch chậm, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da nhiều lần mỗi ngày.
  • Liều mỗi ngày tốt nhất nên < 100 mg.

Trẻ sơ sinh và trẻ em:

  • Với tình trạng nghiêm trọng: 0,3 – 0,6 mg/ kg, tiêm tĩnh mạch chậm, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da nhiều lần mỗi ngày.
  • Không nên vượt quá liều tối đa 1,5 mg/ kg hàng ngày.

5. Tác dụng phụ của thuốc Buscopan 

  • Bí tiểu
  • Khô miệng
  • Đỏ bừng mặt
  • Nhịp tim nhanh
  • Loạn tiết mồ hôi
  • Hạ huyết áp, chóng mặt
  • Rối loạn điều tiết, giãn đồng tử, tăng áp lực nội nhãn
  • Tình trạng sốc phản vệ bao gồm tử vong, các phản ứng phản vệ, khó thở, mày đay, phát ban, ban đỏ, ngứa,..

Theo dõi video sau để biết thêm về tác dụng của thuốc:

6. Tương tác thuốc với Buscopan (hyoscine)

  • Quinidine;
  • Amantadine;
  • Disopyramide;
  • Thuốc kháng histamin;
  • Tiotropium, ipratropium, các hợp chất giống atropin;
  • Thuốc chống trầm cảm ba và bốn vòng; thuốc chống loạn thần;
  • Metoclopramide có thể gây giảm tác động của cả hai thuốc trên đường tiêu hóa.

7. Lưu ý khi dùng thuốc Buscopan

  • Quá mẫn kể cả sốc phản vệ thường xảy ra sau khi tiêm Buscopan. Do đó, theo dõi bệnh nhân thật cẩn thận sau khi tiêm.
  • Trong tình trạng nghiêm trọng, nếu đau bụng không rõ nguyên nhân kéo dài hoặc tiến triển xấu. Hoặc xuất hiện cùng với các triệu chứng: sốt, buồn nôn, nôn, thay đổi đại tiện, đau bụng khi khám, giảm huyết áp, ngất hoặc xuất hiện tình trạng có máu trong phân thì cần chẩn đoán ngay để xác định nguyên nhân.

Lưu ý rằng do thuốc có thể gây tăng áp lực nội nhãn ở những bệnh nhân chưa được chẩn đoán và chưa được điều trị glaucoma góc hẹp. 

8. Đối với phụ nữ có thai và cho con bú 

Hiện vẫn chưa có bằng chứng về an toàn và hiệu quả của thuốc trên những đối tương này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra cho thấy tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến khả năng sinh sản trên động vật.

Tương tự, chưa có thông tin về sự bài tiết của hyoscine và các chất chuyển hóa vào sữa mẹ. Như biện pháp phòng ngừa, nên tránh dùng thuốc trong thời kì mang thai và cho con bú.

9. Xử trí khi dùng quá liều thuốc Buscopan 

Trong các trường hợp quá liều có thể gặp các triệu chứng như: nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, khô miệng, bí tiểu,…

Bạn hãy xử trí bằng cách:

  • Nên tham trị khảo ngay ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt trong các trường hợp bị glaucoma.
  • Nên điều trị các bệnh biến chứng tim mạch theo nguyên tắc điều trị thông thường.
  • Trong trường hợp liệt hô hấp: cân nhắc đặt nội khí quản, hô hấp nhân tạo.
  • Trường hợp bí tiểu có thể cần đặt ống thông.

10. Cách bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ không quá 30°C;
  • Để thuốc nơi an toàn ngoài tầm tay trẻ em;
  • Tránh để thuốc ở nơi ẩm ướt và tránh ánh sáng trực tiếp;
  • Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng (thông tin có trên bao bì).

Thuốc Buscopan là một biệt dược có chứa hyoscine được dùng để điều trị các cơn co thắt đường tiêu hóa và niệu sinh dục. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi,… Do đó, nếu tình trạng diễn tiến tệ hơn hoặc các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy gọi ngay cho bác sĩ để được cấp cứu kịp thời, đặc biết khi dùng thuốc tiêm!