Belara là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Belara là thuốc gì? Sản phẩm có thành phần, công dụng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng Dược sĩ Trần Việt Linh tìm hiểu về thông tin sản phẩm qua bài viết sau.

Thành phần hoạt chất: Ethinylestradiol, chlormadinon acetat.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Femidona.

Belara là thuốc gì?

Belara là thuốc tránh thai hàng ngày được sản xuất bởi công ty cổ phần Dược liệu TW2.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Viên có hình tròn, màu hồng nhạt và có hai mặt lồi. Mỗi hộp gồm 1 vỉ x 21 viên.

Belara
Thuốc tránh thai hàng ngày Belara

Thành phần và công dụng của các thành phần có trong thuốc

Mỗi viên nén bao phim Belara chứa các thành phần sau:1

  • Ethinylestradiol: 0.03 mg.
  • Chlormadinon acetat: 2 mg (tương đương với 1.71 mg chlormadinon).
  • Tá dược vừa đủ.

Ethinylestradiol là một estrogen tổng hợp kết hợp với chlormadinon acetat – một progestogen kháng androgen. Sự phối hợp của ethinylestradiol/chlormadinon acetat có các công dụng sau:2

  • Giúp tránh thai. Khi dùng Belara trong 21 ngày liên tục sẽ ức chế tuyến yên tiết FSH và LH do đó ức chế sự rụng trứng. Sự phối hợp này làm cho niêm mạc tử cung tăng sinh và có sự bài tiết, độ đồng nhất của chất nhầy cổ tử cung bị thay đổi. Điều này dẫn đến ngăn cản tinh trùng di chuyển qua ống cổ tử cung và làm thay đổi mức độ di động của tinh trùng.
  • Hỗ trợ điều trị mụn trứng cá Vulgaris.
  • Cải thiện chứng rậm lông ở phụ nữ, rụng tóc kiểu hói nữ (FPHL) và tăng tiết bã nhờn. Nghiên cứu được thực hiện ở nhóm nhỏ phụ nữ tham gia vào nghiên cứu về hiệu quả tránh thai của ethinylestradiol/chlormadinon acetat. Tuy nhiên, những công dụng này cần được nghiên cứu thêm.

Chỉ định của thuốc

Thuốc nội tiết tố dùng để tránh thai.

Cách dùng thuốc Belara

1. Khi bắt đầu dùng thuốc1

Trước đó không sử dụng các thuốc nội tiết tố để tránh thai (trong chu kỳ kinh nguyệt cuối)

  • Nên sử dụng Belara vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Tác dụng tránh thai bắt đầu từ ngày đầu tiên dùng thuốc và duy trì trong cả 7 ngày nghỉ dùng thuốc.
  • Có thể dùng thuốc vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt dù có còn kinh nguyệt hay không. Tuy nhiên, cần phải dùng thêm biện pháp tránh thai cơ học trong 7 ngày đầu dùng thuốc.
  • Khi chu kỳ kinh nguyệt đã bắt đầu hơn 5 ngày trước đó thì nên đợi đến chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo mới bắt đầu dùng Belara.

Chuyển từ thuốc nội tiết tố để tránh thai khác sang dùng Belara

  • Chuyển từ thuốc nội tiết tố để tránh thai dạng kết hợp khác: Nên bắt đầu dùng Belara vào ngày tiếp theo sau thời gian không dùng thuốc nội tiết tố để tránh thai dạng kết hợp khác hoặc sau khoảng thời gian dùng viên nén giả dược.
  • Chuyển từ thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen: Nên dùng Belara đầu tiên sau ngày ngừng dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen. Cần dùng thêm biện pháp tránh thai cơ học trong 7 ngày đầu tiên dùng thuốc.
  • Chuyển từ thuốc nội tiết tố để tránh thai dạng tiêm hoặc cấy dưới da: Có thể bắt đầu sử dụng Belara vào ngày gỡ bỏ miếng cấy dưới da hoặc vào ngày tiêm thuốc dự kiến. Cần dùng bổ sung thêm biện pháp tránh thai cơ học trong vòng 7 ngày đầu dùng thuốc.

Sau sảy thai hoặc phá thai trong ba tháng đầu thai kỳ

Có thể bắt đầu dùng thuốc ngay lập tức sau khi sảy thai hoặc phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Không cần thiết dùng thêm biện pháp tránh thai bổ sung.

Sau sinh con hoặc sau sảy thai hoặc phá thai trong ba tháng giữa thai kỳ

  • Sau khi sinh con khoảng 21 – 28 ngày, phụ nữ không cho con bú có thể bắt đầu dùng thuốc và không cần thiết phải sử dụng thêm biện pháp tránh thai cơ học.
  • Nếu bắt đầu dùng thuốc nhiều hơn 28 ngày sau khi sinh, cần sử dụng biện pháp tránh thai bổ sung trong vòng 7 ngày đầu dùng thuốc.
  • Cần loại trừ khả năng mang thai nếu người phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc phải đợi đến chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo trước khi bắt đầu dùng thuốc.

Sau khi ngừng dùng Belara

Chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài khoảng 1 tuần sau khi ngừng dùng thuốc.

2. Dùng thuốc trong trường hợp nôn hoặc tiêu chảy1

Nếu hiện tượng nôn xuất hiện trong vòng 4 giờ sau khi dùng thuốc hoặc tiêu chảy nặng tiến triển, thuốc có thể được hấp thu không hoàn toàn và khả năng tránh thai của thuốc sẽ giảm. Trường hợp này nên thực hiện theo hướng dẫn ở phần “Trường hợp quên liều Belara”. Nên tiếp tục dùng Belara.

3. Cách để trì hoãn kinh nguyệt1

Để làm chậm kinh nguyệt thì tiếp tục dùng ngay vỉ Belara khác và bỏ qua giai đoạn nghỉ dùng thuốc. Trường hợp này có thể kéo dài như mong muốn đến khi kết thúc vỉ thuốc thứ hai. Trong thời kỳ này người phụ nữ có thể gặp xuất huyết lấm tấm hoặc xuất huyết ngoài chu kỳ kinh. Sử dụng Belara lại như bình thường sau 7 ngày nghỉ dùng thuốc.

Để dời kinh nguyệt sang một ngày khác trong tuần so với chu kỳ bình thường, người phụ nữ có thể rút ngắn lại khoảng thời gian nghỉ dùng thuốc sắp tới với số ngày như mong muốn. Khoảng thời gian càng ngắn thì nguy cơ không có kinh nguyệt càng cao và người phụ nữ sẽ gặp xuất huyết ngoài chu kỳ kinh hoặc xuất huyết lấm tấm trong khi dùng vỉ thuốc tiếp theo (giống như khi trì hoãn một thời gian).

Liều dùng của thuốc

Dùng thuốc vào một thời điểm nhất định trong ngày (tốt nhất vào buổi tối) liên tục trong vòng 21 ngày. Sau đó nghỉ dùng thuốc trong vòng 7 ngày. Kinh nguyệt thường sẽ xuất hiện sau 2 – 4 ngày kể từ khi ngưng thuốc. Sau 7 ngày nghỉ dùng thuốc, tiếp tục dùng vỉ Belara tiếp theo cho dù kinh nguyệt đã hết hay chưa.

Uống nguyên viên thuốc với một ít nước. Nên dùng thuốc hàng ngày theo hướng của mũi tên.

Belara
Nên dùng thuốc theo chiều của mũi tên

Tác dụng không mong muốn của Belara

Khi sử dụng Belara có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như sau:1

  • Rất thường gặp: buồn nôn, tăng tiết dịch âm đạo, đau bụng kinh và vô kinh.
  • Thường gặp: căng thẳng, chóng mặt, đau nửa đầu, rối loạn thị giác, nôn, mệt mỏi, phù, tăng cân, tăng huyết áp,…
  • Ít gặp: mẫn cảm với thuốc, đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy, rối loạn sắc tố, rụng tóc, da khô, giảm ham muốn tình dục,…
  • Hiếm gặp: viêm kết mạc, mất thính giác đột ngột, ù tai, suy tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch hoặc huyết khối động mạch, mề đay, hội chứng tiền kinh nguyệt,…
  • Rất hiếm gặp: bệnh hồng ban nút.

Tương tác thuốc

Các thuốc/hoạt chất có thể làm giảm nồng độ ethinylestradiol huyết thanh:1

  • Các thuốc làm tăng nhu động dạ dày ruột (metoclopramid) hoặc làm giảm hấp thu (than hoạt).
  • Các chất gây cảm ứng men gan: rifampicin, rifabutin, các barbiturat, thuốc chống động kinh, griseofulvin, barbexaclon, primidon, modafinil, một số thuốc ức chế protease (ritonavir),…
  • Một số kháng sinh (ampicillin, tetracyclin) do làm giảm chu trình gan ruột của estrogen.

Các thuốc/hoạt chất có thể làm tăng nồng độ ethinylestradiol huyết thanh:1

  • Các chất ức chế quá trình sulphat hóa ethinylestradiol tại thành ruột non như acid ascorbic hoặc paracetamol.
  • Atorvastatin làm tăng diện tích dưới đường cong (AUC) của ethinylestradiol lên khoảng 20%.
  • Các chất ức chế men gan như thuốc kháng nấm nhóm imidazol, indinavir hoặc troleandomycin.

Khi nồng độ ethinylestradiol huyết thanh giảm có thể sẽ dẫn đến tăng số lần xuất huyết ngoài chu kỳ kinh, rối loạn chu kỳ và gây giảm hiệu quả tránh thai của Belara. Khi nồng độ ethinylestradiol huyết thanh tăng, tần suất xuất hiện và mức độ trầm trọng của các tác dụng không mong muốn có thể tăng.

Tác dụng của insulin và các thuốc trị đái tháo đường đường uống có thể thay đổi do Belara ảnh hưởng đến khả năng dung nạp glucose.1

Đối tượng chống chỉ định dùng Belara

Chống chỉ định sử dụng Belara cho các đối tượng sau:1

  • Đái tháo đường mất kiểm soát.
  • Tăng huyết áp không kiểm soát hoặc huyết áp tăng cao.
  • Đang bị hoặc có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (VTE), huyết khối động mạch (ATE).
  • Viêm gan, vàng da hoặc rối loạn chức năng gan cho đến khi chức năng gan trở về bình thường.
  • Ngứa toàn thân và ứ mật, đặc biệt trong lần mang thai hoặc điều trị bằng estrogen trước đó.
  • Hội chứng Dubin – Johnson, hội chứng Rotor, rối loạn tiết mật, bệnh nhân có tiền sử hoặc đang có khối u ở gan.
  • Đau dữ dội vùng thượng vị, phì đại gan, có các triệu chứng xuất huyết ổ bụng.
  • Xuất hiện lần đầu hoặc tái phát cơn rối loạn chuyển hóa porphyrin (cả ba thể, đặc biệt là rối loạn chuyển hóa porphyrin mắc phải).
  • Đang có hoặc có tiền sử có khối u ác tính nhạy cảm với hormone như ung thư vú hoặc ung thư cổ tử cung.
  • Rối loạn chuyển hóa lipid nặng, viêm tụy hoặc có tiền sử viêm tụy nếu có kết hợp với tăng triglyceride máu.
  • Các triệu chứng đầu tiên của đau nửa đầu, hoặc tăng tần suất xuất hiện cơn đau đầu dữ dội, hoặc tiền sử đau nửa đầu với các triệu chứng thần kinh khu trú.
  • Rối loạn cảm thụ cấp như rối loạn thị giác hoặc thính giác. Rối loạn vận động.
  • Tăng số cơn động kinh, xốp xơ tai thoái hóa trong những lần mang thai trước đó.
  • Trầm cảm nặng.
  • Vô kinh, chảy máu bộ phận sinh dục không rõ nguyên nhân, tăng sản nội mạc tử cung.
  • Mẫn cảm với hoạt chất hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có sử dụng được Belara không?

1. Thời kỳ mang thai

Không khuyến cáo sử dụng Belara trong thời kỳ mang thai. Phải loại trừ khả năng mang thai trước khi dùng thuốc. Trong thời gian sử dụng thuốc nếu phát hiện mang thai thì phải ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức.

2. Thời kỳ cho con bú

Một lượng nhỏ thuốc và chất chuyển hóa của nó có thể bài tiết qua sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến trẻ. Do đó, không nên sử dụng Belara trong thời kỳ đang cho con bú.

Đối tượng thận trọng khi dùng Belara

Khi sử dụng Belara, cần giám sát y tế đặc biệt trong các trường hợp sau:1

  • Động kinh, múa giật nhẹ, xơ cứng bì rải rác, đau nửa đầu, trầm cảm.
  • Suy tim hoặc suy thận, đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đông máu.
  • Các bệnh lý gan, rối loạn lipoprotein máu.
  • Bệnh tuyến vú, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, herpes sinh dục.
  • Giãn tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch.
  • Viêm ruột mạn tính như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
  • Hen phế quản.
  • Uốn ván.
  • Các bệnh tự miễn.
Belara
Cần thận trọng khi sử dụng Belara với đối tượng đang bị suy giãn tĩnh mạch

Xử lý khi quá liều Belara

Một số triệu chứng quá liều có thể xuất hiện như: buồn nôn và chảy máu âm đạo nhẹ, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ. Không có thông tin về độc tính nghiêm trọng khi sử dụng quá liều Belara.

Xử trí: Không có thuốc giải độc đặc hiệu mà chỉ cần điều trị triệu chứng khi quá liều.

Trường hợp quên liều Belara

1. Quên liều trong vòng 12 giờ1

Nếu người dùng quên uống một liều và đã uống lại trong vòng 12 giờ thì không cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai khác. Tiếp tục dùng thuốc như bình thường.

2. Quên liều khi quá 12 giờ1

Nếu quá 12 giờ mới uống liều bị quên thì tác dụng tránh thai của thuốc có thể giảm. Kiểm soát việc dùng thiếu thuốc được hướng dẫn theo nguyên tắc:

  • Không được ngưng thuốc quá 7 ngày.
  • Yêu cầu 7 ngày dùng thuốc liên tục để đạt được hiệu quả ức chế hoàn toàn trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng.

Nên uống lại ngay liều cuối cùng bị quên, cho dù trường hợp này có thể dẫn đến phải uống hai viên cùng một lúc. Các viên thuốc khác nên được dùng như bình thường. Các biện pháp tránh thai bổ sung khác cũng được sử dụng trong 7 ngày tiếp theo. Khả năng có thai có thể xảy ra nếu quên thuốc trong tuần đầu tiên của chu kỳ và giao hợp diễn ra trong vòng 7 ngày trước khi quên thuốc (bao gồm cả khoảng thời gian nghỉ dùng thuốc). Nếu số lượng thuốc bị quên nhiều hơn và gần với khoảng nghỉ dùng thuốc thông thường thì nguy cơ có thai cao hơn.

Nếu vỉ thuốc đang dùng còn ít hơn 7 viên, nên bắt đầu dùng vỉ thuốc tiếp theo sớm nhất ngay khi hết vỉ thuốc đang dùng và không nên để cách giữa các vỉ thuốc. Kinh nguyệt bình thường có thể sẽ không xuất hiện cho đến khi vỉ thuốc thứ hai được sử dụng. Tuy nhiên, thi thoảng xuất huyết ngoài chu kỳ kinh hoặc xuất huyết lấm tấm có thể xuất hiện trong quá trình dùng thuốc. Nên thực hiện các test thử thai nếu kinh nguyệt không xuất hiện sau khi dùng vỉ thuốc thứ hai.

Lưu ý khi sử dụng

  • Hút thuốc lá có thể làm tăng các biến cố trên tim mạch khi dùng Belara. Nguy cơ này tăng theo độ tuổi và lượng thuốc lá tiêu thụ, đặc biệt đối với phụ nữ trên 35 tuổi. Do đó, phụ nữ trên 35 tuổi có hút thuốc nên dùng biện pháp tránh thai khác.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi gặp phải các tác dụng không mong muốn.
  • Hạn sử dụng của thuốc là 3 năm, không sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Cách bảo quản

Bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30°C. Để xa tầm tay của trẻ em.

Belara có giá bao nhiêu?

Trên thị trường, Belara có giá dao động trong khoảng 160.000 – 190.000 VNĐ. Giá cả của sản phẩm sẽ có sự chênh lệch phụ thuộc vào cơ sở bán và phân phối.

Hy vọng qua bài viết trên đây của Dược sĩ Trần Việt Linh, các bạn đã có thêm các thông tin cần thiết về sản phẩm Belara. Bạn có thể liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm.